Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng cao, Đông Nam Bộ tăng tốc tạo nguồn cung mới

Liên tục dẫn đầu về thu hút FDI, hiện nhiều KCN của Đông Nam Bộ đã cơ bản lấp đầy. Các tỉnh thành sẽ dành hàng chục ngàn ha đất để phát triển nhiều KCN mới.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lần lượt đạt 80%, 93,77% và hơn 86%. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có 5 KCN đã lấp đầy 100%, tỷ lệ lấp đầy trung bình của 14 KCN trên địa bàn đạt khoảng 68%.

Hinh 1

 Nhiều KCN tại Đông Nam Bộ đã lấp đầy 100%

Các con số trên là minh chứng cho sức hút rất lớn của hệ sinh thái công nghiệp Đông Nam Bộ và từng tỉnh thành nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ báo cho thấy yêu cầu cấp thiết phải tăng nhanh nguồn cung bất động sản công nghiệp để không bỏ lỡ cơ hội lớn từ làn sóng đầu tư mới.

Nhiều địa phương thiếu đất công nghiệp diện tích lớn

Với tỷ lệ lấp đầy hiện nay, quỹ đất công nghiệp thương phẩm của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương còn lại khá ít. Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, bồi thường, tình trạng mặt bằng da beo khiến mức độ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là nhu cầu thuê diện tích lớn.

Đơn cử như tại Đồng Nai, diện tích đất công nghiệp còn lại khoảng 752ha nhưng nằm rải rác tại nhiều KCN và phần lớn đều gặp vướng mắc kéo dài trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do thiếu đất công nghiệp diện tích lớn, gần 5 năm qua Đồng Nai đã bỏ lỡ một số “đại bàng” FDI đến từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản với vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Không riêng Đồng Nai, nhiều địa phương khác cũng gặp vướng mắc tương tự trong quá trình triển khai KCN, dẫn đến nguồn cung trong những năm gần đây khan hiếm, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu thuê tăng mạnh.

Thời gian qua, các địa phương đã cố gắng thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho các công ty hạ tầng KCN song tiến độ thực hiện còn  chậm. Do đó, thách thức lớn nhất trong thu hút đầu tư của nhiều tỉnh thành hiện nay là thiếu diện tích đất công nghiệp lớn.

Theo Công ty JLL Việt Nam, giải phóng mặt bằng đang là một trở ngại lớn trong thu hút đầu tư. Tính sẵn sàng trong cung cấp mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi của Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mang tính “cấp bách”, thời điểm của nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư thường không có nhiều thời gian chờ đợi khi muốn rót vốn vào Việt Nam hay mở rộng sản xuất.

Các doanh nghiệp hạ tầng nỗ lực tăng nguồn cung

Hiện nay, cùng với nỗ lực tháo gỡ vướng mắc của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hạ tầng KCN đang đẩy mạnh khai thác những KCN hiện hữu theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1ha đất công nghiệp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tích cực phát triển nguồn cung mới để đón dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn dịch chuyển theo chiến lược “Trung Quốc + 1” và hiệu ứng “Trum 2.0”.

Default

KCN Châu Đức là một trong số ít KCN của Đông Nam Bộ còn quỹ đất công nghiệp lớn

Tại KCN Châu Đức, với lợi thế về quy mô và còn quỹ đất lớn, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và đẩy mạnh khai thác 540ha đất công nghiệp còn lại trong thời gian tới. Hiện nay, có khoảng 150ha/540ha đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng bàn giao ngay cho khách hàng.

Đại diện KCN Thạnh Phú cho hay, Công ty đang đẩy mạnh cho thuê các nhà xưởng, các lô đất thương phẩm đã sẵn sàng đưa vào khai thác. Đồng thời, thúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho khoảng 30% diện tích còn lại trên tổng diện tích hơn 114ha của KCN Thạnh Phú, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thuê rất lớn của nhà đầu tư.

Ở mảng nhà xưởng, chủ đầu tư KCN Long Thành cho biết sẽ khởi công xây dựng thêm 19 nhà xưởng tiêu chuẩn và các nhà xưởng theo đơn đặt hàng trong năm 2025. Công ty tiếp tục đa dạng hóa hình thức cung ứng nhà xưởng như cho thuê, bán; hợp tác xây nhà xưởng cùng khai thác cho thuê hoặc bán… để phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư.

Một đơn vị khác là KCN Việt Nam cũng đã khởi công dự án nhà kho xây sẵn tại KCN Nhơn Trạch VI (Đồng Nai) với diện tích sàn cho thuê giai đoạn 1 hơn 44.000m2, dự kiến hoàn thành trong quý 2/2025.

Tổng công ty Sonadezi cho biết, để chuẩn bị sẵn sàng, chủ động về nguồn cung, hệ thống Sonadezi đang tăng tốc triển khai thêm KCN, CCN mới như KCN Tân Đức (300ha), CCN Long Phước (75ha)… và phát triển nhà xưởng cho thuê trong một số KCN tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hinh 3

Một cụm nhà xưởng cho thuê của KCN Long Thành

Đông Nam Bộ sẽ có thêm hàng chục ngàn ha đất công nghiệp

Xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tỉnh thành Đông Nam Bộ đã đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều KCN mới có quy mô lớn, hiện đại, được xây dựng theo tiêu chuẩn KCN sinh thái và định hướng thu hút đầu tư xanh, dự án công nghệ cao.

Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ triển khai 24 KCN với tổng diện tích hơn 15.886ha. Tương tự, Bình Dương cũng đặt kế hoạch đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 10 KCN mới với tổng diện tích trên 7.000ha.

Tại Đồng Nai, theo quy hoạch tỉnh sẽ có thêm 14 KCN được thành lập, nâng tổng số KCN tính đến năm 2030 là 48 KCN với tổng diện tích hơn 18.400ha.

Hiện nay, các tỉnh thành đang thực hiện song song việc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khai thác tối đa quỹ đất của các KCN đã được phê duyệt và khẩn trương thành lập các KCN mới nhằm kịp thời phát triển nguồn cung, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

(Chi tiết xem thêm tại: https://diendandoanhnghiep.vn/ty-le-lap-day-cac-khu-cong-nghiep-tang-cao-dong-nam-bo-tang-toc-tao-nguon-cung-moi-10147549.html?gidzl=T0DJ3MFRSWvr6LS9QC5w2tKOLWnrntO4Qqu707B38m1f6Wy6TPGf0siU3GfqoYfUR1KA23Okx1GmQDno10)

Chi sẻ bài viết: